Sâu bệnh hại trên cây khoai tây không chỉ làm giảm năng suất, chất lượng củ mà còn khiến bà con mất nhiều thời gian, công sức để chăm sóc, chữa trị bệnh cho chúng. Do đó, nhận biết và phòng trừ sớm sâu bệnh hại là rất cần thiết để đảm bảo cho cây khoai tây phát triển tốt, năng suất cao.
Bài viết dưới đây cung cấp thông tin về một số loại sâu bệnh hại phổ biến trên cây khoai tây giúp bà con có thể nhận biết và phòng trừ kịp thời.
A. Sâu hại
1. Bọ phấn (Bemisia tabaci)
– Bọ trưởng thành có kích thước nhỏ, dài khoảng 0.8-1.5mm, sải cánh 1.1-2mm. hai đôi cánh trước và sau dài gần bằng nhau. Trên cơ thể phủ một lớp sáp màu trắng, chân dài và mảnh.
– Trứng rất nhỏ hình bầu dục, có cuống, mới đẻ màu trắng trong sau chuyển sang màu nâu nhạt rồi thành màu nâu xám.
– Sâu non màu vàng nhạt, hình ô van, đẫy sức dài khoảng 0.7-0.9mm. Nhộng giả hình bầu dục, màu sáng, có lông thưa ở 2 bên sườn.
– Bọ phấn hút nhựa cây làm cho cây có thể bị héo, ngả vàng và chết.
– Bọ phấn tiết ra dịch ngọt là môi trường cho nấm muội đen phát triển.
– Bọ phấn còn truyền các bệnh virus gây bệnh cho cây.
2. Ruồi hại lá (Liriomyza sp.)
– Trưởng thành là loài ruồi nhỏ, dài 2-3mm, màu đen.
– Trứng có hình ô van dài, rất nhỏ, có màu trắng trong sau chuyển màu vàng nhạt.
– Sâu non là dạng dòi, không chân, màu trắng trong, phần trước hơi vàng, trông rõ ruột bên trong màu đen.
– Nhộng màu nâu vàng, dính trên lá chỗ cuối đường đục hoặc rơi xuống mặt đất.
– Con cái dùng gai đẻ trứng vào dưới biểu bì của lá và chích hút nhựa cây tạo thành những vết sần sùi trên lá.
– Sâu non tạo những đường đục ngoằn ngoèo, màu trắng xuất hiện trên lá
– Nếu bị hại nặng sẽ làm giảm khả năng quang hợp, làm giảm năng suất cây trồng. Ngoài ra còn tạo điều kiện cho một số loại nấm bệnh xâm nhập.
3. Rệp đào hại khoai tây (Myzys persicae)
– Rệp đào phát triển theo 2 giai đoạn: rệp non và rệp trưởng thành. Rệp trưởng thành sinh sản bằng hình thức đẻ con. Có 2 dạng rệp trưởng thành: có cánh và không có cánh. Mỗi ngày có thể đẻ 2-6 rệp non.
– Rệp đào chích hút dịch cây ở các bộ phận non, làm cho lộc non bị cong queo, rụng sớm; cành lá non không sinh trưởng được. Rệp đào được xác định là môi giới truyền bệnh virút gây khảm nhàu lá khoai tây và nhiều cây trồng khác.
– Ngoài ra, chúng còn tiết chất dịch làm môi trường cho nấm muội đen phát triển, bao bọc mặt lá cản trở khả năng quang hợp của các bộ phận lá, làm cho cây sinh trưởng kém.
4. Sâu khoang (Spodoptera litura)
– Trưởng thành có màu nâu vàng, trên cánh trước có nhiều đường vân màu sẫm, xung quanh viền vàng. Mép ngoài cánh có hàng chấm màu nâu đen. Cánh sau màu trắng xám, có ánh phản quang màu tím.
– Trứng hình bán cầu, có nhiều đường khía ngang dọc. Trứng đẻ thành ổ lớn, bên ngoài phủ lớp lông màu nâu vàng.
– Sâu non màu xám tro hoặc nâu đen, vạch lưng màu vàng, ở đốt bụng thứ nhất có một khoang đen lớn rất rõ.
– Nhộng màu nâu đỏ, cuối bụng có 1 đôi gai ngắn.
– Bướm hoạt động ban đêm, thích các chất có mùi chua ngọt, đẻ trứng thành ổ bám mặt dưới lá. Một bướm cái có thể đẻ hàng ngàn trứng.
– Sâu non sau khi nở sống tập trung quanh chỗ ổ trứng, gặm lấm tấm chất xanh của lá. Sâu tuổi lớn phân tán. Sâu non phá hại mạnh vào ban đêm. Hoá nhộng trong đất.
– Sâu khoang là loài sâu đa thực, tác hại chủ yếu là ăn khuyết lá, làm cây sinh trưởng kém.
5. Sâu xám (Agrotis ypsilon)
– Trưởng thành là loài bướm có thân dài 20-25mm. Cánh trước có màu xám đen, gần phía góc mép ngoài có 3 vệt đen nhỏ hình tam giác. Cánh sau màu trắng, mép ngoài màu nâu xám nhạt. Cơ thể có nhiều lông màu xám.
– Trứng có hình cầu hơi dẹt, có sọc nổi, đường kính khoảng 0.5mm, lúc đầu có màu nhạt sau chuyển sang màu đen đến nâu.
– Sâu non màu đen nâu, có đường xẻ màu nâu nhạt ở giữa và hai sọc hai bên. Đầu rất đen, có hai điểm trắng.
– Nhộng có màu nâu cánh gián, cuối bụng có một đôi gai ngắn.
– Sâu non mới nở gặm lấm tấm biểu bì lá cây, sâu lớn tuổi sống dưới đất, ban đêm bò lên cắn đứt gốc cây. Sâu đẫy sức hoá nhộng trong đất.
– Sâu xám phát sinh trong điều kiện thời tiết lạnh, ẩm độ cao, chủ yếu phá hại khi cây còn nhỏ.
6. Rệp sáp hại khoai tây (Pseudococcus citri Russo)
– Cơ thể rệp sáp có hình bầu dục, thuôn dài, rệp non có màu hồng, rệp trưởng thành có một lớp sáp trắng phủ kín quanh mình. Rệp cái không có cánh, rệp đực có cánh, trứng cũng có lớp sáp phủ kín.
– Rệp sáp thường xuất hiện vào thời kỳ cây sinh trưởng mạnh, tụ tập ở phần ngọn, ở các nách lá và mặt dưới của lá. Khi gần thu hoạch, rệp sống chủ yếu ở phần gốc cây khoai tây, bám vào mắt củ và theo củ vào thời kỳ bảo quản.
– Củ khoai tây ở thời kỳ bảo quản rệp thường sống tập trung ở mắt củ, xung quanh mầm để chích hút nhựa của mầm khoai tây làm cho mầm bị teo khô, củ giống bị khô cứng lại, khi trồng không mọc được.
B. BỆNH HẠI
1. Bệnh đốm vòng (Alternaria solani)
– Do nấm Alternaria solani gây ra.
– Trên lá: vết bệnh thường xuyên xuất hiện ở các lá già phía dưới, sau lan dần lên các lá trên. Vết bệnh hình tròn và có cạnh, màu nâu sẫm, trên đó có các vòng tròn đồng tâm, màu đen.
– Trên quả: vết bệnh xuất hiện đầu tiên ở cuống hoặc tai quả, hình tròn màu nâu sẫm, hơi lõm xuống và cũng có vòng đồng tâm màu đen.
– Trên thân: vết bệnh màu nâu, hơi lõm và có đường tròn đồng tâm.
2. Bệnh héo xanh vi khuẩn (Pseudomonas solanacearum)
– Do vi khuẩn Pseudomonas solanacearumgây ra.
– Bệnh gây hại khoai tây ở các giai đoạn sinh trưởng nhưng nặng nhất là vào giai đoạn khoai tây hình thành củ.
– Thường ban đầu cây có biểu hiện héo, sau đó phục hồi vào ban đêm. Sau vài ngày thì cây chết không phục hồi được nữa, lá không chuyển màu vàng. Khi cây bị héo nhưng vẫn giữ được màu xanh. Bệnh có thể làm chết cả cây hoặc chết dần từng nhánh, gốc cây bị thối nhũn.
– Củ bị bệnh, ở phần cuối củ hay mắt củ có dịch hơi nhầy màu trắng, sau chuyển thành màu trắng ngà, đục như sữa, nếu bị nặng củ sẽ bị thối nhũn, bóp nhẹ sẽ thấy sủi bọt, chất dịch có mùi hôi. Khi bổ củ thấy có một vòng nâu sẫm hoặc nâu đen ở ngoại bì.
3. Bệnh mốc sương (Phytophthora infestans)
– Do nấm Phytophthora infestans gây ra. Bệnh phát triển thuận lợi trong điều kiện thời tiết ẩm độ cao và nhiệt độ thấp.
– Trên lá: lúc đầu là một đốm nhỏ màu xanh tái hơi ướt, không có ranh giới rõ rệt ở mép lá. Sau lan vào phía trong phiến lá thành vết lớn, màu nâu đen, có ranh giới rõ rệt. Mặt dưới lá có lớp trắng xốp. Bệnh nặng làm toàn bộ phiến lá bị khô.
– Trên thân cành: vết bệnh không đều, có màu nâu, thâm đen, ngày càng lan rộng ra xung quanh và kéo dài dọc theo thân, cành, cuống lá. Vết bệnh bọc quanh từng đoạn thân, hơi lõm sâu. Thân cành bị bệnh tóp nhỏ lại, thối mềm và dễ gãy.
– Trên củ: vết bệnh không có hình dạng nhất định, có màu nâu-nâu xám, hơi lõm sâu vào bên trong. Cắt ngang chỗ bị bệnh thấy vỏ củ có màu nâu ăn sâu vào tới ruột củ theo những vệt nâu rõ. Sau một thời gian vết bệnh hình thành lớp nấm trắng xốp.
4. Bệnh héo rũ:
Có 3 loại hình héo rũ trên cây họ cà do 3 loại nấm khác nhau gây ra:
– Héo rũ chết vàng
– Héo rũ lở cổ rễ
– Héo rũ trắng gốc
4.1.Héo rũ chết vàng: (Fusarium oxysporum)
– Bệnh thường thể hiện triệu chứng thối gốc, làm cây héo rũ chết vàng, bệnh phá hại các giai đoạn sinh trưởng của cây nhưng nặng nhất là vào cuối giai đoạn sinh trưởng.
– Bệnh hại ở củ làm cho củ bị thối, mầm bị thui chết, cây con bị bệnh không lớn được, dị hình và khô héo.
– Phần giáp vết bệnh có màu nâu hay màu xám nham nhở. Thân giáp mặt đất thường khô tóp và có màu vàng nhạt, ranh giới không rõ ràng. Trên vết bệnh có lớp nấm trắng mịn, phớt hồng.
– Nấm phát triển nhanh ở nhiệt độ 25-300C. Ruộng đất cát, chua, thiếu đạm và lân thường bị bệnh nhiều.
4.2. Héo rũ lở cổ rễ (Rhizoctonia solani)
– Bệnh phá hại ở rễ, mầm, củ và thân. Khi nấm xâm nhập vào củ thì làm cho củ không nảy mầm được, hoặc cây con bị héo rũ ngay. Rễ và thân giáp mặt đất có nhiều u sần sùi, vết bệnh có màu nâu bao quanh, sau đó bị thối. Những cây bị bệnh thường ra củ khí sinh ở ngay nách lá hoặc không có củ, sau ít lâu cây sẽ chết.
– Vết bệnh trên củ có màu nâu sẫm, cứng, có kích thước và hình dạng khác nhau. Khi nấm phát triển mạnh có thể biến thành hạch nấm có màu nâu đậm và rất dễ rụng. Nếu trời ẩm ướt thì trên vết bệnh có lớp nấm trắng ngà.
– Nấm xâm nhập vào trong củ từ khi ngoài đồng hoặc trong thời gian bảo quản. Sợi nấm làm tắc bó mạch và làm cho cây bị héo rũ làm củ khoai bị thối.
– Nhiệt độ thích hợp để nấm phát triển là 25-300C.
4.3. Héo rũ trắng gốc (Sclerotium rolfsii)
– Bệnh xuất hiện ở các giai đoạn sinh trưởng của cây và gây hại trên thân, gốc sát mặt đất. Vết bệnh ở gốc có màu nâu nhạt và thường có tản nấm trắng xốp. Bệnh thường làm mục nát lớp vỏ bao quanh thân.
– Nấm nảy mầm thích hợp ở nhiệt độ 25-300C.
– Bệnh phát sinh gây hại nặng trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao.
Để ngăn ngừa sâu bệnh hại tấn công làm giảm năng suất và chất lượng củ, bà con cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Ngoài các biện pháp truyền thống, việc sử dụng dịch vụ phun thuốc trừ sâu bằng máy bay nông nghiệp hiện đang là giải pháp hiệu quả nhất, với các ưu điểm vượt trội như: tiết kiệm chi phí nhân công, thời gian phun nhanh chóng (10-15 phút/ha), tiết kiệm 30% thuốc và 90% nước, dập dịch hại nhanh chóng và hiệu quả trên 90 %, an toàn cho sức khỏe.
Nếu bà con quan tâm đến giải pháp máy bay phun thuốc, hãy liên hệ với VNS Drone hoặc để lại thông tin ở phần bình luận để được chúng tôi tư vấn cụ thể.
Cách pha thuốc An Toàn – Hiệu Quả khi sử dụng máy bay phun thuốc không người lái (Drone)
Làm sao để vận hành máy bay nông nghiệp tránh bị sạt lúa?
Áp dụng thử nghiệm mô hình trồng lúa không cày bừa giúp giảm thải carbon
🌟 Khám Phá Thế Giới với VNS – Đối Tác Hỗ Trợ Học Viên Đi Học Tại Nước Ngoài 🌟
SĂN VÉ NHẸ NHÀNG – RỘN RÀNG ĐÓN TẾT CÙNG ĐẠI LÝ VÉ MÁY BAY VNS